Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Giới Thiệu Quốc Gia Đức - Nước Đức

    Cộng Hoà Liên Bang Đức là một trong các nước công nghiệp hoá nhiều nhất trên thế giới, nằm ở giữa châu Âu và có chung đường biên giới với các nước Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hoà Czesk, Áo, Pháp, Luxembourg, Bỉ và Hà Lan. Ở phía bắc, Đức nằm giáp ranh với biển Baltic và Bắc Hải. Đức là một trong những thành viên sáng lập của Liên Minh Châu Âu và là nước đông dân nhất trong khối này. Ngoài ra Đức còn là thành viên trong khối NATO và G8.




Xem Chưa có tiêu đề ở bản đồ lớn hơn

Thủ đô và trụ sở của chính phủ Đức nằm tại Berlin; một số trụ sở của các bộ liên bang nằm tại Bonn. Nước Đức có tất cả 16 tiểu bang.

Địa lý

Nằm giữa vùng đồng bằng được hình thành từ thời kỳ băng hà (Ice Age) ở phía bắc và dãy núi cao Alpen (An-pờ) ở phía nam là một vùng rừng núi với độ cao trung bình trải rộng ở miền trung. Nơi thấp nhất nước Đức là Neuendorf-Sachsenbande ở Wilstermarsch với 3,54 m dưới mực nước biển. Ngọn núi cao nhất là Zugspitze với độ cao 2.962 m.
Những sông chính là Rhein, Donau, Elbe, Weser và Oder. Điều kiện khí hậu khắc nghiệt giống như hạn hán, gió xoáy, bão, thời tiết băng giá hay nóng bức thường ít xảy ra ở đây vì Đức thuộc vào khu vực khí hậu ôn đới. Động đất với hậu quả nghiêm trọng cũng chưa hề có, nếu có cũng chỉ ở mức độ không đáng kể.

Các thành phố

Các thành phố lớn nhất của Đức là Berlin, Hamburg, München, Cologne, Frankfurt, Dortmund, Essen, Stuttgart và Düsseldorf.

Dân số

Diện tích nước Đức chỉ lớn hơn nước láng giềng Ba Lan một chút, nhưng dân số lại nhiều hơn gấp đôi. Trong số đó 68 triệu là người Đức, còn lại 15 triệu là người nước ngoài hay có nguồn gốc từ các nước khác. Khoảng 75 triệu người có quốc tịch Đức, một số ít trong số đó còn có thêm quốc tịch nước khác bên cạnh quốc tịch Đức. Khoảng 7,5 triệu người là người nước ngoài.

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ nói và viết chính thức là tiếng Đức (Hochdeutsch).

Tôn giáo

Hai tôn giáo chính ở Đức là đạo Cơ Đốc và đạo Do Thái. Hồi giáo chỉ mới xuất hiện và lan rộng ở Đức sau chiến tranh thế giới lần thứ nhì. Phần lớn đân số Đức theo đạo Cơ Đốc: 32,0% theo đạo Tin Lành (Bắc và Đông Đức), 31,7% theo đạo thiên chúa La Mã (Tây và Nam Đức), 1,14% theo đạo Cơ Đốc chính thống. Khoảng 27% người Đức không theo tôn giáo nào cả, phần lớn trong số họ sống ở miền Bắc, nhất là những vùng thuộc về Đông Đức cũ. Số còn lại theo các đạo khác.

Những ngày lễ


Phần lớn các ngày lễ ở Đức đều bắt nguồn từ các ngày lễ của giáo hội giống như lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Trong khi ngày quốc khánh và ngày 1/5 được quy định rõ trong luật liên bang là ngày lễ của toàn quốc, thì những ngày lễ còn lại đều do luật của mỗi tiểu bang tự quy định riêng. Ví dụ, trong khi những người ở Bayern được nghỉ lễ thì những người sống ở Berlin vẫn phải đi làm bình thường.

Chính trị

Thủ đô và trụ sở chính phủ của cộng hòa liên bang Đức là Berlin. Theo điều luật 20, hiến pháp Đức thì cộng hòa liên bang Đức là một đất nước dân chủ, xã hội và hợp kiến. Nước Đức có tất cả 16 bang, một số bang được hình thành bởi nhiều khu hành chính khác nhau. Đất nước được cai quản theo hiến pháp (Grundgesetz). Trong khi nguyên thủ quốc gia là tổng thống với nhiệm vụ đại diện cho đất nước, thì thủ tướng là người điều hành đất nước. Thủ tướng là người có quyền quyết định đường lối lãnh đạo chính trị.
Nước Đức là một liên bang, điều đó có nghĩa là bộ máy chính trị của Đức được chia ra làm hai cấp: cấp liên bang, đại diện cho quốc gia về mặt đối ngoại, và cấp tiểu bang của từng bang một. Mỗi cấp đều có một bộ máy hành chính riêng: hành pháp (executive), lập pháp (legislative) và tư pháp (judicial).
Các điều luật của liên bang được ban hành bởi quốc hội liên bang (Bundestag) cùng với hội đồng quốc gia liên bang (Bundesrat). Trong trường hợp 2/3 đa số của cả hai cơ quan này đều chấp thuận, hiến pháp mới được phép được thay đổi. Các điều luật ở cấp tiểu bang đều do quốc hội tiểu bang (Landestag) quyết định.
Trong khi bộ máy hành pháp cấp liên bang được hình thành bởi chính phủ liên bang dưới sự lãnh đạo của thủ tướng, thì các thứ trưởng có quyền ban hành sắc lệnh ở cấp tiểu bang. Các cơ quan hành chính ở cấp liên bang và tiểu bang được điều hành bởi các bộ trưởng.
Toàn án hiến pháp liên bang có nhiệm vụ theo dõi và đánh giá việc tuân thủ hiến pháp của các cơ quan nhà nước khác. Tòa án tối cao của liên bang Đức nằm tại Karlsruhe. Phần lớn các vụ việc đều do các tòa án tiểu bang quyết định, tòa án hiến pháp liên bang chỉ là nơi cuối cùng kiểm tra và xem xét lại các quyết định của các tòa án tiểu bang.

Kinh tế

Đức vốn không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, cho nên nền kinh tế của nước này chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp và dịch vụ. Phần lớn diện tích nước Đức được dùng cho nông nghiệp, nhưng chỉ có 2% - 3% dân số Đức làm việc trong ngành này. Với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 2.271 tỉ Euro, Đức là nước công nghiệp với nền kinh tế quốc gia lớn thứ 3 thế giới.

Giáo dục

Mỗi tiểu bang của Đức đều có quyền quyết định riêng về hệ thống giáo dục ở bang đó. Tuy nhiên để tạo nên sự cân bằng tương đối trong toàn liên bang, các tiểu bang tuân theo những đường lối chung về giáo dục do hội nghị liên bang định ra.

Trên toàn nước Đức, tất cả trẻ em đều có nghĩa vụ phải học đến hết lớp 9. Trong khi ở một số bang chương trình phổ thông chỉ kéo dài 12 năm, thì ở các bang khác tới những 13 năm. Sau khi tốt nghiệp bậc trung học (lớp 10), thanh niên ở Đức có nhiều sự lựa chọn. Họ có thể học nghề ở các trường dạy nghề, hay học hết phổ thông để lấy bằng Abitur (tương đương với bằng tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam). Sau Abitur họ có thể chọn học tiếp ở trường đại học chuyên sâu về nghiên cứu (Universität) hay chuyên sâu về công nghệ (Fachhochschule, thường được dịch sai ra tiếng Việt là trường cao đẳng). Bằng tốt nghiệp giữa hai loại trường đại học này đều không có sự khác biệt gì cả, nhưng trên thực tế thì bằng Universität vẫn được coi trọng hơn. Bù lại, sinh viên tốt nghiệp trường Fachhochschule nhanh tìm được việc làm hơn, vì trong quá trình học, họ có cơ hội để thu thập được nhiều kinh nghiệm thực hành, một trong những yếu tố được đánh giá cao ở Đức.

Trong thời gian gần đây, hệ thống giáo dục của Đức bị OECD chỉ trích rất nhiều. Mặc dù những thiếu sót và sai lầm trong hệ thống này đã được nhận rõ, nhưng người ta vẫn chưa có biện pháp sửa chữa.

Giao thông
Từ giữa thế kỷ 20 hệ thống giao thông đường bộ của Đức đã thay thế hệ thống giao thông đường sắt chiếm vị trí quan trọng nhất. Đức là một trong những nước có mạng lưới giao thông dày nhất thế giới, bao gồm 11.980 km đường cao tốc và 41.386 km đường liên tỉnh.

Cùng với sự tư nhân hóa năm 1993, hệ thống đường sắt dần dần bị thu nhỏ và hạn chế lại, trong khi hệ thống giao thông hàng không ngày càng phát triển. Sân bay Frankfurt am Main hiện tại là sân bay lớn nhất ở Đức. Mặc dù giao thông đường bộ và hàng không gây ra nhiều ô nhiễm môi trường, Đức vẫn không ngừng đầu tư và mở rộng hai hệ thống này, thay vì tập trung vào sử dụng hệ thống đường sắt vốn có một số ưu thế.
Hệ thống giao thông đường thủy cũng có một vị trí rất quan trọng đối với một nuớc có nền ngoại thương phát triển như Đức.


Văn hóa và thể thao


Đức nổi tiếng là đất nước của các nhà thơ và các nhà triết học (Land der Dichter und Denker). Nơi đây là quê hương của các nhà soạn nhạc nổi tiếng như: Ludwig van Beethoven, Johann Sebastian Bach, Johannes Brahms, Clara Schumann, Robert Schumann, Richard Wagner; các nhà thơ như Johann Wolfgang von Goethe, Friedrich Schiller hay Heinrich Heine, các nhà triết học Gottfried Leibniz, Immanuel Kant, Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Karl Marx, Friedrich Engels, Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzsche và Martin Heidegger; các nhà văn Hermann Hesse, Thomas Mann, Heinrich Böll hay Günter Grass; các nhà khoa học lừng danh như Johannes Kepler, Ernst Haeckel, Albert Einstein, Max Born, Max Planck, Werner Karl Heisenberg, Gustav Hertz, Heinrich Rudolf Hertz và Robert Wilhelm Bunsen và các nhà phát minh, sáng chế như Johannes Gutenberg, Nikolaus August Otto, Werner von Siemens, Wernher von Braun, Carl Ferdinand Braun, Gottlieb Daimler, Carl Friedrich Benz, Rudolf Diesel và Carl von Linde.

Tiếng Đức đã từng một thời là ngôn ngữ chung ở trung tâm Châu Âu, Bắc Âu và Đông Âu. Ngày nay tiếng Đức là một trong những ngôn ngữ được dạy nhiều nhất trên thế giới, và là ngoại ngữ được yêu chuộng thứ hai sau tiếng Anh ở Châu Âu. Có rất nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng, mặc dù không phải là công dân Đức, nhưng vẫn được coi là người Đức bởi sự hiểu biết sâu sắc về nền văn hòa Đức của họ giống như Wolfgang Amadeus Mozart, Franz Kafka và Stefan Zweig.

Thể thao
Môn thể thao được yêu thích nhất ở Đức là bóng đá. Giải bóng đá thế giới năm 2006 sẽ được tổ chức tại Đức. Câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng nhất của Đức là đội FC Bayern München (tiếng Anh: Bayern Munich) ở tiểu bang Bayern (tiếng Anh: Bavaria). Ngoài bóng đá ra thì môn thể thao được khán giả truyền hình xem nhiều nhất là môn đua xe Công thức 1 (Formula One). Trong thời gian gần đây, bóng rổ ngày càng được yêu chuộng nhiều hơn trong lớp trẻ, tuy nhiên số lượng khán giả theo dõi môn này trên truyền hình vẫn kém xa môn đua xe. Ngoài ra môn bóng ném và khúc côn cầu trên băng cũng được nhiều người yêu thích.

Ẩm thực

Ẩm thực ở Đức rất đa dạng và thay đổi tùy theo vùng. Ẩm thực Đức nổi tiếng trước tiên là các món ăn "nặng" như giò heo luộc với bắp cải ngâm chua (Sauerkraut). Ở phía Nam người ta còn dùng nhiều mì sợi các loại. Các món ăn đặc sản còn có xúc xích trắng (Weißwurst) ở Bayern hay bao tử heo (Saumagen) ở vùng Pfalz. Ngoài ra người Đức rất yêu thích bia (cũng khác nhau tùy theo vùng) và rượu vang. Vì theo điều kiện khí hậu nên trồng và uống rượu vang phổ biến ở phía Tây và Nam của Đức nhiều hơn là ở phía Bắc và Đông.

Lịch sử

Ngôn ngữ Đức và nguồn gốc Đức đã tồn tại cách đây hàng nghìn năm, nhưng nước Đức là một quốc gia hiện đại như ngày nay chỉ mới được thành lập từ năm 1871, khi đế chế Đức, còn được biết đến là đế chế thứ hai, được dựng lên dưới triều đại Phổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Share

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More